Tin tức UBND phường

Đình Quang Hanh (toạ lạc tại khu 7A, phường Quang Hanh, TP Cẩm Phả) là di tích có nhiều giá trị lịch sử, văn hoá với những giá trị riêng biệt của cộng đồng tộc người Sán Dìu nơi đây.

 

Kết quả nghiên cứu, khảo sát cho thấy đình Quang Hanh được xây dựng và thờ phụng từ rất sớm, qua các sắc phong Thành hoàng làng thờ trong đình Quang Hanh dưới thời vua Duy Tân năm thứ 3 (1909) và thời vua Khải Định năm thứ 2 (1917). Xưa kia, đình Quang Hanh toạ lạc chân núi Hanh, nhìn ra ao Hanh, lấy núi Hanh làm bờ, bên phải bên trái là những chỗ núi giáp nước bao quanh, giống như một cái ao, người đi biển gặp gió bão, phần nhiều vào đây trú lánh. Ngày nay, đình được xây dựng tại vị trí đắc địa trên lưng chừng đồi rộng rãi, tương truyền là có vị thế như lưng của rồng thiêng ẩn trong đất. Trước sân đình là cánh đồng rộng quanh năm xanh tốt và dãy núi Hanh song song với Quốc lộ 18A, dãy núi thấp đối chính diện vào cửa đình là bình phong che chắn những điều xấu, hai bên dãy núi được coi là tả thanh long, hữu bạch hổ, tạo nên thế rồng chầu hổ phục vào đình. Đình toạ lạc trên thế đất tuyệt đẹp, nơi hội tụ đầy đủ các yếu tố tự nhiên về phong thuỷ với thế được coi là “tụ phúc, tụ thuỷ”.

Đình Quang Hanh đã được trùng tu.
Đình Quang Hanh đã được trùng tu.

Đình Quang Hanh thờ các vị thiên thần và nhân thần. Vào thời vua Duy Tân năm thứ 3 (1909), đình được sắc phong phụng thờ “Bản cảnh Thành hoàng linh ứng chi thần”; thời vua Khải Định năm thứ 2 (1917) đình được sắc phong phụng thờ “Cao Sơn Đại vương Tôn thần”. Ngoài hai vị thần chủ của đình, nhân dân còn tôn thờ những nhân vật lịch sử có công mở mang đất đai, chuyển từ làng Quang Hanh, thành lập xã Quang Hanh.

Lễ hội đình Quang Hanh diễn ra ba lần trong năm: Đầu năm tổ chức lễ hội cầu an (tiếng Sán Dìu là Khíu pếnh on) vào ngày 16 tháng Giêng âm lịch; giữa năm tổ chức lễ cầu mùa (Sịt nhọt thai khíu) vào ngày 18 tháng 7 âm lịch; cuối năm tổ chức lễ tạ ơn (Vẳn lay) vào ngày 25 tháng 12 âm lịch. Trước kia, cứ độ 2 đến 3 năm vào lễ hội đầu năm nhân dân tổ chức lễ hội lớn gọi là lễ On lống. Đây là lễ hội rất đặc sắc với các nghi lễ như: Xuyên lình nhập thánh, thu hồn cô quả, tống tiễn ra biển…

Vào ngày này, người dân nô nức, nhà nhà có lễ lên dâng cúng Thành hoàng làng với sự cầu mong được các thần thánh phù hộ độ trì cho quốc thái dân an, mưa thuận gió hoà, mùa màng bội thu. Bà con được đi dự hội có thể tham gia các trò chơi dân gian đậm bản sắc dân tộc Sán Dìu. Thanh niên trai tráng thì háo hức đánh khăng (tả khăng), đánh cầu tay (tả khiu), đuổi chó vào chuồng (tả cỏi), đẩy gậy (tếnh tú), tập võ (tả công phu)… Trẻ con thì chơi trốn tìm (peng pộc), ô ăn quan (háng then); đánh bi (tả bi)… Các chàng trai, cô gái hát điệu Soọng cô ca ngợi tình yêu, cuộc sống.

Đình Quang Hanh đã ghi tạc những sự kiện trong hai cuộc đấu tranh giữ nước thần thánh của dân tộc. Đình là nơi tập kết của trung đội vũ trang từ chiến khu Đông Triều về để chờ lệnh xuất kích vào giải phóng Cẩm Phả; nơi nuôi giấu cán bộ cách mạng, trung chuyển lương thực từ Cẩm Phả vào căn cứ cách mạng Sơn Dương (Hoành Bồ); mít tinh tuyên bố xoá bỏ chế độ thực dân nửa phong kiến, thành lập chính quyền cách mạng lâm thời của xã Quang Hanh.

Từ ngôi đình làng nhỏ thô sơ chỉ bằng tranh tre, đến khi đình được xây bằng gạch, lợp ngói năm 2014, được sự thành tâm công đức của người dân thập phương, đình được xây dựng lại khang trang như hiện nay. Ngôi đình luôn là nơi người dân thành tâm chiêm bái, ngưỡng vọng, cầu an, cầu mùa, cầu cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Bảo tồn và phát huy các giá trị lịch sử, văn hoá đình Quang Hanh hiện nay, cần có sự quan tâm hơn nữa của chính quyền các cấp. Ban Quản lý đình Quang Hanh đã lập hồ sơ trình các cấp có thẩm quyền xét công nhận và xếp hạng đình Quang Hanh là di tích lịch sử, văn hoá cấp tỉnh và trình Hội VNDG Quảng Ninh thành lập CLB Bảo tồn và phát huy bản sắc văn hoá Sán Dìu nhằm giáo dục tinh thần yêu nước, bảo tồn bản sắc văn hoá dân tộc được ông cha ta kết tinh từ ngàn đời.

Trần Quốc Hùng (Ban Dân tộc tỉnh)

Các tin liên quan: